Lời khuyên mà STARTUP LAW dành cho mọi startup là hãy tạo thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý hoặc tham vấn luật sư ngay từ khi bạn có ý tưởng cho một quyết định nào đó. Với mong muốn giúp startup sử dụng tốt nhất dịch vụ chuyên gia của luật sư, STARTUP LAW gợi ý các lưu ý khi tìm hiểu, giao kết và thực hiện dịch vụ của luật sư như sau:
Tìm kiếm và chọn đúng luật sư
Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 15 ngàn Luật sư được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư sau khi trả qua kỳ thi sát hạch với tỷ lệ đậu chỉ khoảng 50% và trải qua quá trình tập sự hành nghề luật sư 12 tháng. Thị trường pháp lý Việt Nam ngày càng chuyên môn hoá lĩnh vực hành nghề của các Luật sư. Trong số đó, có rất ít các luật sư chuyên về và thông thạo lĩnh vực pháp luật về công nghệ, khởi nghiệp công nghệ và đầu tư vốn cho startup. Do đó, bạn cần biết luật sư bạn đang trao đổi và tham vấn có chuyên về lĩnh vực của bạn và họ đã có kinh nghiệm hoặc kiến thức liên quan đển giải quyết thành công vấn đề của bạn.
Mỗi luật sư có uy tín, kinh nghiệm và mức độ cam kết với dịch vụ của họ khác nhau. Do đó, điều quan trọng là bạn cần chắc chắn rằng luật sư bạn dự định thuê có uy tín và cam kết sẽ giúp bạn tốt nhất. Nếu bạn chưa từng sử dụng dịch vụ của Luật sư đó, cách tốt nhất là tham khảo ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp của bạn để xin lời chứng thực hoặc nhờ giới thiệu một luật sư mà người đó đã sử dụng. Hãy lưu ý nguyên tắc: “Có tin Luật sư thì mới sử dụng, không tin không sử dụng”.
Trong quá trình tìm hiểu luật sư, bạn hãy dành thời gian trao đổi với Luật sư đó về một số vấn đề pháp lý và dịch vụ của họ. Thông qua cách họ giao tiếp và xử lý các câu hỏi bạn đặt ra, bạn sẽ hiểu về cách làm việc của luật sư đó. Nếu cách làm việc ban đầu của Luật sư đó khiến bạn thoải mái và tin tưởng, bạn có thể chọn luật sư này để đồng hành dài hạn. Nếu bạn cảm thấy không phù hợp, bạn nên tham khảo luật sư khác.
Khi dấn thân vào con đường kinh doanh, bạn chắc chắn sẽ cần tham vấn Luật sư. Lời khuyên của chúng tôi là bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu trước về các luật sư để chọn cho mình một hoặc một số Luật sư đáng tin cậy. Hãy đảm bảo bạn luôn có sẵn số điện thoại/thông tin liên hệ của ít nhất của một luật sư để khi bạn cần là có thể liên hệ ngay thay vì phải đi tìm kiếm khi xảy ra vấn đề bạn cần xử lý. Nếu có thể, hãy trở thành bạn của Luật sư trước khi trở thành khách hàng của họ.
Phạm vi dịch vụ
Trước khi giao kết hợp đồng dịch vụ hoặc chấp thuận đề xuất dịch vụ của Luật sư, bạn cần làm rõ phạm vi dịch vụ và kết quả dịch vụ mà Luật sư sẽ cung cấp. Đó chính là những phần việc mà Luật sư sẽ làm cho bạn. Để đảm bảo phạm vi dịch vụ đó là đầy đủ để giải quyết vấn đề của bạn, bạn hãy đặt một vài câu hỏi sau với Luật sư: Phạm vi dịch vụ này đã đủ để giải quyết triệt để vấn đề của tôi chưa? Trước và sau khi Luật sư thực hiện dịch vụ, tôi có cần phải làm thủ tục hoặc việc gì để giải quyết vấn đề này nữa hay không? Tôi cần lưu ý gì về vụ việc này? Có những trường hợp/lý do/rủi ro nào khiến dịch vụ có thể không hoàn thành đúng kế hoạch hoặc khiến vấn đề của tôi không được giải quyết triệt để?
Kết quả dịch vụ cũng cần được làm rõ về hình thức, nội dung, số lượng. Ví dụ về kết quả: Dự thảo hợp đồng bằng tiếng Việt; Chấp thuận đầu tư cho nhà đầu tư X được cấp bởi cơ quan ....; 01 giờ tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại .... Trong một số trường hợp, Luật sư không thể khẳng định chắc chắn kết quả do phụ thuộc vào ý chí/quyết định của bên thứ ba, khi đó Luật sư sẽ làm rõ kết quả dịch vụ theo các hướng có thể xảy ra.
Phí luật sư và chi phí khác
Phí dịch vụ luật sư là một vấn đề rất nhạy cảm và khó đo lường về vấn đề đắt hay rẻ. Luật sư thường tính phí dịch vụ cố định với các dịch vụ thủ tục hành chính. Nhưng với các dịch vụ tư vấn, bảo vệ quyền lợi thì phí thường sẽ dao động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính chất phức tạp của vụ việc, thời gian dự kiến để hoàn thành các công việc cho vụ việc đó, thời gian theo đuổi vụ việc, số lượng vụ việc mà luật sư hiện đang theo đuổi, khả năng tài chính của khách hàng, kinh nghiệm và danh tiếng của Luật sư đó. Dù thế nào, mức phí dịch vụ đó phải phù hợp với bạn và được bạn chấp thuận.
Bạn cũng cần làm rõ với Luật sư về mức phí đề xuất đã bao gồm lệ phí, chi phí cho bên thứ ba và có phát sinh thêm chi phí hay không. Nếu có, thì trường hợp nào sẽ phát sinh. Một vấn đề quan trọng ít khách hàng đề cập tới đó là việc hoàn lại phí dịch vụ khi Luật sư không hoàn thành hoặc hoàn thành một phần dịch vụ sẽ được xử lý như thế nào. Nhiều Luật sư sẽ không cảm thấy thoải mái đi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, đây cũng là một phép thử để bạn hiểu hơn về cách xử lý tình huống của Luật sư đó.
Thời gian thực hiện dịch vụ
Thời gian thực hiện và hoàn thành dịch vụ cần được làm rõ về đơn vi đo là ngày, ngày làm việc hay tuần, tháng, giờ cụ thể. Trường hợp có rủi ro phát sinh thì thời gian có kéo dài hơn không. Nếu trường hợp phát sinh làm kéo dài thời gian thì Luật sư có thông báo trước cho khách hàng không. Và cả trường hợp khách hành muốn kéo dài thời gian th