top of page

Tóm tắt Bản án (tiếng Việt) Bùi Sỹ Phong và OOPA Singapore



Lời mở đầu


Đội ngũ Luật sư StartupLAW đang nghiên cứu và phân tích Bản án số [2021] SGHC 142 ngày 16 tháng 06 năm 2021. Hồ sơ vụ án số 885 năm 2019 của Toà cấp cao Singapore giữa nguyên đơn công ty OOPA Pte Ltd và bị đơn ông Bùi Sỹ Phong, CEO của Telio – một startup đang phát triển mạnh mẽ. Để thuận tiện, chúng tôi chỉ tập trung vào các luận điểm chính và các nội dung cần thiết và bỏ qua format của bản án nguyên gốc. Bạn có thể tham khảo bản án tiếng Anh nguyên gốc tại đây.


Một số vấn đề pháp lý được tranh luận và cần làm rõ để tìm ra sự thật và tạo ra một phán quyết bao gồm:

  • Tư cách khởi kiện của công ty mẹ đối với chính giám đốc của mình có hợp lệ?

  • Bị đơn có vi phạm nghĩa vụ uỷ thác của công ty mẹ khi tự ý tách tài nguyên của công ty mẹ ra một công ty mới?

  • Việc bị đơn sở hữu toàn bộ cổ phần tại công ty mới có phải là với tư cách được uỷ thác ngầm hiểu dù chẳng có bất kỳ giấy tờ bổ nhiệm/uỷ thác nào?

  • Liệu bị đơn có được miễn trừ vi phạm nghĩa vụ uỷ thác vì hành động trung thực và hợp lý của anh ta?

  • Liệu biện pháp khắc phục hậu quả hợp lý nhất có phải là tuyên bố quyền sở hữu cổ phần đứng tên bị đơn ở công ty mới thuộc về nguyên đơn?

  • Thẩm phán có nên cấp cho bị đơn một khoản trợ cấp công bằng vì những gì anh ta đã làm cho công ty mới hay không?

Chúng ta hãy cùng theo dõi bản án, phân tích các tình tiết của vụ án, để tìm kiếm các bài học trong đó. Đây sẽ là những điều cần biết để các startup Việt Nam chúng ta chinh phục các thị trường quốc tế.



Tuyên bố trách nhiệm

StartupLAW – công cụ pháp lý dành riêng cho startup, công ty công nghệ và nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện ấn phẩm này với mong muốn cộng đồng startup Việt Nam có thể tham khảo, rút kinh nghiệm cho chính mình.

Chúng tôi hiểu rằng, việc tham gia một vụ kiện và bị xử thua chắc chắn không phải là điều bất kỳ ai mong muốn. Chúng tôi thấu hiểu và đồng cảm với bị đơn. Chúng tôi không có ý định tấn công, bôi xấu bị đơn hay tiết lộ bí mật hoặc công bố thông tin sai sự thật. Bản án đã được công bố theo Luật pháp của Chính phủ Singapore, do đó, nó không phải là một tài liệu bí mật.

StartupLAW bảo lưu quyền sở hữu trí tuệ với ấn phẩm này. Bạn được quyền tải về, nghiên cứu, tham khảo nhưng không được thương mại hoá ấn phẩm này mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của Luật sư Nguyễn Văn Doanh (Doanh Nguyen). Bất kỳ sự sao chép một phần, trích dẫn một phần ấn phẩm này, bạn cần dẫn nguồn chia sẻ như sau: “Nguồn tin: Doanh Nguyen – người sáng lập StartupLAW”.

StartupLAW và Doanh Nguyen không chịu trách nhiệm cho việc bạn sử dụng, ứng dụng các thông tin trong ấn phẩm này. Mọi lời khuyên pháp lý nếu có trong ấn phẩm này và các ấn phẩm liên quan cùng chủ đề chỉ để bạn tham khảo. Khi áp dụng cho tình huống, vụ án của bạn, bạn cần tham vấn một Luật sư và người đó chịu trách nhiệm với bạn cho các lời tư vấn ấy.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 06 năm 2021

 

Nội dung bản án


1. Giới thiệu

Giám đốc công ty mẹ có những nghĩa vụ ủy thác nào đối với hoạt động kinh doanh của công ty con? Câu hỏi đó cùng với các câu hỏi liên quan đã củng cố cho câu trả lời. Phía bị đơn thì cho rằng, công ty mẹ và công ty con là hai thực thể độc lập nên nguyên đơn trong vụ án này là công ty con chứ không phải công ty mẹ.

Do đó, trường hợp này cần phải xem xét chặt chẽ tác động qua lại của vốn chủ sở hữu và pháp luật công ty trong bối cảnh một nhóm các công ty.


2. Tình huống vụ việc

Bùi Sỹ Phong (sau đây gọi tắt là Bùi) đến từ Việt Nam. Bùi phát triển một giải pháp Ứng dụng nạp tiền thông qua thuê bao di động. Sau này anh ta phát triển ứng dụng ví điện tử cho các nhà bán lẻ tại Việt Nam mang tên OnOnPay. Bùi thành lập công ty OOPA Pte Ltd tại Singapore cùng với các nhà đầu tư như Captii, Gobi MAVCAP ASEAN, Liu, Helmie. OOPA sở hữu toàn bộ công ty tại Việt Nam mang tên OnOnPay Việt Nam – là công ty vận hành hoạt động phát triển và kinh doanh ứng dụng nạp tiền di động, ví điện tử OnOnPay. Cả hai sản phẩm này đều không thành công vào năm 2018.

Cùng thời điểm đó, OnOnPay Việt Nam bắt đầu phát triển một ứng dụng kết nối các nhà bán lẻ nhỏ với nhà phân phối. Nó được gọi nội bộ là CSB – Central Supply Business. Bùi đã cố gắng tìm kiếm tài trợ vốn cho CSB, kể cả từ các nhà đầu tư hiện tại của OOPA. Trong email gửi các cổ đông, Bùi đề xuất một số tuỳ chọn cho mô hình kinh doanh mới. Cái tên Telio đã được đặt cho mô hình kinh doanh mới. Trong đó, có một lựa chọn là sẽ thành lập Telio Việt Nam để vận hành CSB và Telio ở Singapore để sở hữu CSB, Telio Việt Nam và nhận vốn đầu tư. Telio ở Singapore có cơ cấu sở hữu gồm 03 phần X% + Y% + Z%. X% là tỷ lệ cổ phần của các nhà đầu tư hiện tại trong OOPA; Y% là cổ phần của nhóm sáng lập gồm Bùi và một số thành viên chủ chốt khác; Z% là cổ phần phát hành dành cho các nhà đầu tư mới đầu tư cho cho CSB. Tỷ lệ cụ thể đang được các bên thảo luận và Bùi đang tìm kiếm một tỷ lệ cổ phần lớn hơn cho mình

Sau đó, Telio (Singapore) được thành lập vào 21/01/2019 do Bùi là cổ đông duy nhất; 28/01/2019 Telio Việt Nam được thành lập. Ngay sau đó, Bùi đăng ký để Telio tham gia chương trình Tăng tốc khởi nghiệp (accelerator program) của Surge Ventures do Quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital hỗ trợ. Ngày 19/03/2019, Bùi thay mặt cho Telio đã ký một Điều khoản đầu tư (term sheet) và một thoả thuận Khoản vay chuyển đổi (convertible note agreement) với Surge.

Các Giám đốc/cổ đông của OOPA không biết về deal đầu tư này cho đến sau khi Surge đầu tư. Một cổ đông của OOPA, Liu, đã biết được deal đầu tư này thông qua đại diện của Surge. Ngày 15/04/2019, cuộc họp Hội đồng quản trị của OOPA được tổ chức để thảo luận về quyền sở hữu Telio và tình hình tài chính của OOPA và OnOnPay Việt Nam. Một số bài báo về sự thành công của Bùi với Telio được xuất bản trực tuyến vài ngày sau đó. Đại diện cho Captii, Ng đã gửi email cho các thành viên Hội đồng quản trị OOPA (không gửi cho Bùi) về một kế hoạch hành động được đề xuất để khẳng định quyền của OOPA đối với Telio. Vì vấn đề không được giải quyết nên OOPA đã bắt đầu thủ tục khởi kiện này vào ngày 06/09/2019.

Ban đầu, OOPA kiện Telio mà không kiện Bùi. Sau đó, OOPA thay đổi không kiện Telio mà kiện cá nhân Bùi do Telio đã cam kết sẽ chuyển nhượng cổ phần cho bất kỳ bên nào theo phán quyết của Toà án. OOPA yêu cầu Toà án làm rõ mối quan hệ tác động giữa OOPA và OnOnPay Việt Nam liên quan đến CSB. OOPA cũng bác bỏ việc Bùi thành lập Telio (Singapore) và trở thành cổ đông duy nhất của Telio. OOPA cho rằng, Bùi chỉ là người được OOPA đề cử (nominee) hoặc là người đại diện/đại lý (agent) được uỷ thác để đứng tên cổ phần khi thành lập Telio vì lý do thực hiện thủ tục cấp tốc.

OOPA đưa ra bằng chứng rằng: Ngày 30/07/2015, OnOnPay Việt Nam đã ký Chứng thư chuyển nhượng Tài sản trí tuệ (IP) của mình cho OOPA bao gồm tên miền ononpay.com và ononpay.vn.


3. Các yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn - OOPA

OOPA tố cáo rằng:

Một, Bùi đã vi phạm nghĩa vụ ủy thác của mình và / hoặc vi phạm sự nghĩa vụ uỷ thác bằng cách chiếm đoạt cơ hội kinh doanh của OOPA, khi thành lập công ty Telio (hoặc CSB) cho chính mình sở hữu vì đã: (i) từ chối và / hoặc không thực hiện được và / hoặc bỏ qua việc phân bổ và / hoặc chuyển nhượng cổ phần trong Telio (Singapore) và / hoặc Telio Việt Nam (bất kỳ cơ sở nào có Telio) đến OOPA; (ii) Bùi giữ quyền sử dụng riêng lợi nhuận không được tiết lộ từ Telio đại diện bởi cổ phần của Telio (Singapore) và / hoặc cổ phiếu của Telio Việt Nam, (iii) không thông báo cho OOPA về bên thứ ba là các nhà đầu tư trong vòng hạt giống của Telio.

Hai, OOPA yêu cầu phủ nhận quyền sở hữu toàn bộ cổ phần Telio (Singapore) của Bùi và cũng như quyền sở hữu gián tiếp Telio Việt Nam của bất kỳ ai do nó phải thuộc về OOPA.


4. Phản hồi của Bị đơn - Bùi

Bùi cho rằng:

i) OOPA không có quyền khởi kiện. Vì các tài nguyên (resources) được sử dụng cho dự án thí điểm CSB là của OnOnPay Việt Nam chứ không phải của OOPA. Vì vậy, nếu có kiện Bùi thì OnOnPay Việt Nam kiện chứ không phải OOPA.

ii) Ý tưởng phát triển CSB là của cá nhân Bùi. Anh ta phủ nhận việc nhận uỷ thác và thay mặt cho OOPA để thành lập Telio. Bùi cho rằng anh ta đã cho các nhà đầu tư của OOPA cơ hội tham gia (miễn phí) vào Telio điều mà Bùi không có nghĩa vụ phải làm vậy.

iii) Ngoài ra, khi OnOnPay Việt Nam tham gia, lúc đó CSB mới chỉ là một ý tưởng và chưa phát triển thành một cơ hội kinh doanh chín muồi có triển vọng tốt.

iv) Nếu Bùi bị phát hiện vi phạm nghĩa vụ uỷ thác thì Bùi cũng xứng đáng được miễn trừ trách nhiệm theo Đạo luật Công ty vì anh ta đã hành động một cách trung thực và hợp lý.


5. Thẩm phán xác định các vấn đề cần làm rõ như sau

Các vấn đề cần được xác định bởi Thẩm phán:

  1. OOPA có phải là nguyên đơn thích hợp hay không;

  2. Liệu Bùi có vi phạm nghĩa vụ ủy thác của mình đối với OOPA về CSB;

  3. Liệu Bùi có nắm giữ cổ phần của mình trong Telio với tư cách là người được đề cử của OOPA hay không, tức là công nhận sự uỷ thác ngầm hiểu (ngụ ý) cho Bùi;

  4. Liệu Bùi có được miễn trừ trách nhiệm cho bất kỳ vi phạm nghĩa vụ ủy thác nào không theo mục 391 (1) của Đạo luật Công ty;

  5. Liệu biện pháp khắc phục thích hợp áp dụng cho vụ án này có phải là: công nhận quan hệ uỷ thác ngầm hiểu từ OOPA cho Bùi và vì thế quyền sở hữu cổ phần của Bùi trong Telio là thuộc về OOPA; và

  6. Thẩm phán có nên cấp cho Bùi một khoản trợ cấp công bằng vì những gì anh ta đã làm cho Telio hay không.


6. Nhận định của Thẩm phán:

Vấn đề 1: OOPA có phải là nguyên đơn thích hợp hay không

Thẩm phán dựa trên các quan điểm của các bên liên quan như sau:

Hai quan điểm của Bùi: i) Nếu Bùi có vi phạm thì anh ấy vi phạm nghĩa vụ uỷ thác của OnOnPay Việt Nam chứ không phải là với OOPA, bởi vì các tài nguyên để làm CSB là của OnOnPay; ii) Bất kỳ thiệt hại nào mà OOPA cho là bị thiệt hại thì đó chỉ là suy luận không căn cứ vì CSB là tài sản của OnOnPay Việt Nam.

Khi tranh luận tại Toà, Luật sư của Bùi cho rằng: Một cá nhân mà làm giám đốc của cả công ty mẹ (Singapore) và công ty con (Việt Nam) thì nghĩa vụ của cá nhân với các công ty đó là riêng rẽ (Doanh – StartupLAW diễn giải: ý Luật sư của Bùi cho là nếu Bùi có vi phạm thì vi phạm với công ty con OnOnPay Việt Nam thôi, chứ không phải là vi phạm với Công ty mẹ (OOPA tại Singapore) nên công ty mẹ không có quyền khởi kiện).

OOPA thì cho rằng: Ứng dụng CSB thuộc sở hữu của OOPA. Chỉ là họ sẽ quyết định xem OOPA có theo đuổi việc kinh doanh, thương mại hoá CSB hay không và bằng cách nào thôi. Trong các cuộc thảo luận của Hội đồng quản trị thì OOPA đang cân nhắc có nên để OnOnPay phát triển CSB hay không hay là lập công ty mới.

Thẩm phán lập luận và cho rằng:

i) OOPA tuyên bố quyền sở hữu CSB là đúng và những tổn thất từ việc mất quyền sở hữu cổ phần của công ty phát triển CSB là hợp lý. Quan trọng là OOPA chứng minh quyền sở hữu và thiệt hại của nó như thế nào ở các phần tiếp theo.

ii) Khi một người nhận uỷ thác cho cả hai công ty mẹ và công ty con thì việc vi phạm của anh ta phải có thể gây hậu quả cho cả hai người uỷ thác. Nên dù người uỷ thác trực tiếp gây thiệt hại cho Công ty con thì Công ty mẹ cũng có thể khởi kiện người vi phạm. Nên OOPA giữ quyền khởi kiện Bùi là hợp lý.


Vấn đề 2: Liệu Bùi có vi phạm nghĩa vụ ủy thác của mình đối với OOPA về CSB

OOPA lập luận dựa trên nguyên tắc: Giám đốc của một công ty sẽ bị truất quyền khi chiếm đoạt cho chính mình hoặc chuyển hướng sang cho người khác một cơ hội kinh doanh đang phát triển mà công ty ấy đang tích cực theo đuổi.

Thẩm phán cho rằng cần xem xét ba câu hỏi: i) CSB có phải là một cơ hội kinh doanh chín muồi? ii) Nếu có, thì nó có thuộc về OOPA không? Iii) Nếu nó thuộc về OOPA, thì OOPA có đang theo đuổi không nó?


Với câu hỏi 1: CSB có phải là một cơ hội kinh doanh chín muồi?. Theo các trao đổi giữa Bùi và các Giám đốc, CSB bắt đầu từ cuối tháng 11/2018. Ngày16/01/2019, Bùi gửi email báo cáo tiến độ OnOnPay và các bước tiếp theo. Nội dung email có đề cập: Như trong các trao đổi cá nhân trong vài ngày qua, song song với dịch vụ thanh toán, chúng tôi đã ra mắt dịch vụ mới là Telio. Telio đã thu hút ý định đầu tư từ các nhà đầu tư mới nhưng họ đang do dự vì OnOnPay cần được định giá. Do đó, đề nghị thành lập công ty mới để tiện giao dịch. Bảng phân bổ vốn (capital table) sẽ phản ánh cơ cấu vốn tương tự với OnOnPay và với định giá thấp hơn do Telio đang ở vòng hạt giống (seeding).

Như vậy, Bùi đã tham chiếu Telio đến CSB. Đầu tiên Bùi cập nhật với OOPA về hoạt động của công ty con OnOnPay; Thứ hai, mô tả CSB trong quá khứ và triển vọng hiện tại; Thứ ba, Bùi thông báo trước việc cân nhắc lập công ty mới để thu hút đầu tư dễ hơn thay vì giữ nó trong công ty OnOnPay; Thứ tư, các cổ đông hiện tại của OOPA sẽ được phản ánh đầy đủ trong công ty mới. Mặc dù trong email bảng capital table mô tả cơ cấu cổ đông cho OnOnPay nhưng Bùi thừa nhận bằng lời nói ràng nó có nghĩa là dành cho các cổ đông của OOPA; thứ năm, anh ấy hứa sẽ tiếp tục cập nhật cho các giám đốc của OOPA.

Ngoài ra, email cũng đã nhấn mạnh: CSB là một ý tưởng, nó được đặt tên thương mại là Telio và lúc đó nó đang được thực hiện bởi OnOnPay.


Câu hỏi thứ hai: Nếu CSB là một cơ hội chín muồi, thì nó có thuộc về OOPA?

Sau email trên của Bùi, 05 ngày sau đó Telio được thành lập ở Singapore. Vài ngày sau, Vân gửi emai cho Thư ký của OOPA về việc chuẩn bị các nghị quyết của OOPA để phê duyệt Phương án 2 - Chuyển đổi CSB thành Telio và email này cũng đã đồng gửi đến Bùi. Đáng chú ý là email có các nội dung: Telio lập ở Singapore, sau đó sẽ lập công ty con ở Việt Nam; Tiếp đó OOPA sẽ chuyển giao nhân sự, tài sản, nợ phải trả từ OOPA sang Telio Singapore và từ OnOnPay sang Telio Việt Nam; Khoản đầu tư mới sẽ chuyển vào Telio.

Bùi xác thực email này nhưng cho rằng nó không đáng tin cậy vì người viết nó không có làm chứng tại Toà. Luật sư OOPA thì cho rằng, email này có cc cho Bùi, Bùi không phản đối hay điều chỉnh gì nội dung email này cũng như các email phản hồi để thực hiện các bước tiếp theo đó về kế hoạch Vân đã đề cập như: dự kiến ban hành nghị quyết về việc OOPA sẽ sở hữu 100% Telio và việc hoán đổi cổ phiếu Telio với OOPA. Bùi cho rằng, dù lúc đó Bùi không phản đối nhưng Bùi không đồng ý với email của Vân vì nó hoàn toàn không thuyết phục và không thể tin tưởng được.


Thẩm phán cho rằng:

i) Email của Vân nhất quán với các việc đang xảy ra cùng thời điểm nên Bùi đã hiểu và đồng ý với những gì Vân trình bày với Thư ký của OOPA. Hơn nữa, ngày 30/01/2019, Bùi gửi một email kèm theo “Kế hoạch chuyển đổi từ OOP(.) sang Telio”. Bùi nói về lợi ích của việc giữ OnOnPay và Telio độc lập và “sẽ chuyển tất cả nhân sự hiện tại cũng như các tài nguyên khác từ OnOnPay sang Telio”.

Ii) Tất cả các email của Bùi tiết lộ điều đó vào tháng 01/2019, Bùi tin tưởng hoàn toàn rằng CSB là một dự án kinh doanh năng động và thành công. Tuy nhiên còn mới và non trẻ nên do OnOnPay đảm nhận. Nó chỉ có thể chuyển đến Telio khi có sự chấp thuận của Hội đồng quản trị OOPA.

iii) Các email của nhân sự OnOnPay cũng có nội dung tương đồng và có cc cho Bùi mà Bùi không phản đối.

iv) Có rất nhiều bằng chứng để xác minh rằng, các tài nguyên của OOPA và OnOnPay đã được sử dụng cho CSB và nó không cần thiết phải xác định giá trị bằng tiền.

v) Vào tháng 01/2019, các cuộc thảo luận về Phương án 2 là lựa chọn ưu tiên của Bùi. Phương án sở hữu cổ phần Telio được phân bổ gồm X% + Y% + Z% đã được thảo luận và đồng ý. Telio sẽ có sự tham gia của Người sáng lập, Cổ đông OOPA hiện tại, và nhà đầu tư mới. Cả 3 phần này đều cần thiết cho Telio nhưng nếu không có CSB thì sẽ không có Telio.

vi) Với tư cách là người uỷ thác, Bùi được quyền thương lượng hợp pháp về tỷ lệ sở hữu cao hơn cho nhóm những người sáng lập. Nhưng anh ta không có quyền thực hiện một thoả thuận với nhà đầu tư để loại bỏ OOPA khỏi Telio. Điều này vi phạm giá trị cốt lõi của một người được uỷ thác là lòng trung thành với người uỷ thác.

vii) Thật trớ trêu, Bùi nắm phần lớn cổ phần sau pha loãng tại OOPA (40,15%). Khi chuyển sang Telio, anh ấy kết hợp với phần sở hữu sẽ dành cho người sáng lập nữa thì Bùi sẽ vẫn là cổ đông nắm phần lớn Telio. Nhưng anh ấy cố gắng loại OOPA ra khỏi Telio, trong đó có phần lớn cổ phần của anh ấy. Anh ta đã lấy những gì thuộc về OOPA cho chính mính. Trái với cáo buộc của anh ta rằng, Captii là kẻ ác thủ tham lam đứng sau vụ kiện này.

viii) Luật sư của Bùi cho rằng, email ngày 21/04 được gửi bởi Ng – người đại diện cho Captii tại OOPA ủng hộ lập luận CSB thuộc về OnOnPay. Nhưng cùng trong email đó, Ng khẳng định Telio thuộc về OOPA. Theo đó, Telio trước hết được phát triển trong OOPA, và sử dụng quỹ của OOPA, sẽ thuộc về OOPA. Mặc dù có sự không nhất quán trong email của Ng, nhưng cuối cùng, Ng đã giải thích ở cuối email: trước tiên Telio được công nhận là của OnOnpay; các bên tìm cách triển khai cơ chế cho phép Bùi nắm 40,15% cổ phần pha loãng tại Telio và các nhà đầu tư thông qua OOPA nắm giữ 59,85% phần còn lại.

ix) Tham chiếu về OOPA sở hữu IP là rất quan trọng. OnOnPay đã chuyển nhượng tất cả các IP của mình cho OOPA theo Chứng thư chyển nhượng ngày 30/07/2015. Quyền sở hữu IP của OOP trong Telio cũng đã được đề cập. Trong email của Captii ngày 11/01/2019 gửi cho Bùi, IP bao gồm danh sách người bán và tên miền ononpay.com. Luật sư của Bùi cho rằng nên bỏ qua chứng thư chuyển nhượng IP này do nó không đề cập đến các IP được hình thành trong tương lai. Quan điểm này không được chấp thuận, do OOPA đã xác lập vị trí của nó bằng cách gán IP của OnOnPay là hợp lý thì không có lý do gì để không làm cho nó có hiệu lực (với cả tài sản IP hình thành trong tương lai). Hơn nữa, lập luận tìm cách tách biệt quyền sở hữu OnOnPay với OOPA là không hợp lý. OOPA sở hữu hoàn toàn OnOnPay. Đó là lý do tại sao Bùi vẫn báo cáo cho HĐQT của OOPA. OOPA mới có thẩm quyền quyết định chuyển tài nguyên của OnOnPay sang Telio hoặc quyết định xem CSB nên ở trong OnOnpay hay được tách ra thành công ty mới Telio.


Câu hỏi thứ ba: OOPA có theo đuổi CSB hay không?

Bùi cho rằng OOPA không theo đuổi CSB vì 03 tranh luận sau:

i) Bùi cho rằng: HĐQT OOPA chưa bao giờ đồng ý theo đuổi CSB. Không có nghị quyết HĐQT nào thông qua liên quan đến CSB. Kể cả trong nhóm trò chuyện Facebook Messenger gồm 3/5 Giám đốc của OOPA gồm Bùi, Ng và Liu cũng không thể hiện chấp thuận CSB.

Nhưng thẩm phán phản bác rằng: Bùi đã báo cáo với toàn thể HĐQT OOPA trong email ngày 16/01/2019. Anh ấy đề cập đến việc nói chuyện với từng người về CSB trước đó. Không ai trong số thành viên HĐQT phản đối CSB. Hơn nữa, không có nguyên tắc chung nào về việc một công ty chỉ có thể theo đuổi một cơ hội kinh doanh đặc biệt khi đưa ra một nghị quyết của HĐQT. Một Giám đốc, thậm chí một nhân viên vẫn có thẩm quyền thay mặt cho công ty để theo đuổi một cơ hội kinh doanh khác. Trên thực tế, từ trước 16/01/2019, OOPA đã tích cực theo đuổi CSB. CSB đã tạo doanh thu cho OnOnPay. Bùi với tư cách Giám đốc của OOPA và cả OnOnPay đã khiến OnOnPay theo đuổi đó, đã tham khảo ý kiến và liên tục báo cáo cho hai giam đốc OOPA đồng nghiệp của mình thông qua nhóm trò chuyện Facebook Messenger.

ii) Bùi cho rằng: OOPA không muốn theo đuổi CSB nhưng chỉ muốn sở hữu Telio – công ty sẽ nhận CSB.

Thẩm phán nhận định rằng: Đúng là OOPA với tư cách là công ty mẹ ở Singapore không bao giờ có ý định tự nó thực hiện CSB. Nó nhất thiết phải thực hiện thông qua một công ty vận hành tại Việt Nam cho dù đó là OnOnPay Việt Nam hay Telio Việt Nam. Thực tế này không có nghĩa là OOPA không theo đuổi CSB. Hơn nữa, với cách nó đã cấu trúc công ty mẹ và công ty con của OOPA trong quá khứ, kế hoạch có thể dành cho OOPA để sở hữu IP liên quan đến CSB.

Iii) Bùi cho rằng: OnOnPay thể hiện nhiều nhất là đang theo đuổi CSB còn OOPA thì không như vậy. Vì liên quan đến cap table thể hiện OnOnPay.

Thẩm phán nhận định rằng: Bùi cố gắng sử dụng biểu mẫu dưới tên công ty khác để tránh cho Bùi nghĩa vụ uỷ thác. Toà chấp nhận cơ hội kinh doanh CSB của OOPA có thể được thực hiện thông qua công ty con của nó.

Kết luận vấn đề 2: Tiếp theo câu trả lời cho ba câu hỏi chính, kết luận rằng: Khi Bùi chuyển CSB sang Telio, đã từ chối quyền sở hữu Telio của OOPA và khiến Telio phải thoả thuận với Surge mà OOPA không biết. Chưa nói đến sự đồng ý của OOPA, Bùi đã chiếm đoạt một cơ hội kinh doanh chín muồi được theo đuổi bởi OOPA và do đó vi phạm nghĩa vụ uỷ thác với OOPA. Bùi chịu trách nhiệm cho những vi phạm này.


Vấn đề 3: Liệu Bùi có nắm giữ cổ phần của mình trong Telio với tư cách là người được đề cử/uỷ thác của OOPA hay không

Để trả lời vấn đề này, yêu cầu có ba điều kiện chắc chắn: Chắc chắn về ý định; Chắc chắn về chủ thể và Tính chắc chắn của các đối tượng uỷ thác.

Điều kiện chắc chắn về ý định:

Thư ký của OOPA cũng đã thành lập Telio. Theo kế hoạch, Bùi sau đó sẽ chỉ đạo chuyển giao một phần hoặc toàn bộ cổ phần Telio cho OOPA hoặc các tổ chức khác phù hợp với cấu trúc của công ty sẽ được thoả thuận.

Một số đoạn trích trong các cuộc trao đổi theo trình tự thời gian:

  • 16/01: Bùi đề xuất thành lập công ty mới, có bảng capital table sẽ phản ánh đầy đủ capital table của OnOnPay.

  • 21/01: Telio được thành lập.

  • 24/01: Liu email cho Bùi, lưu ý bước chuyển đổi 100% Telio cho OOPA.

  • 24/01: Bùi trả lời Liu đính kèm sơ đồ cấu trúc công ty mà sau đó Vân gửi cho Thư ký OOPA vào ngày 25/01 với phương án 1 và phương án 2.

  • 28/01: Bùi chuyển tiếp email của Liu đến Thư ký công ty OOPA để “chuẩn bị cho các hành động liên quan”.

Tóm lại, Bùi có ý định chung là: Bùi thay mặt cho OOPA để thành lập Telio. Thẩm phán hiểu rằng, Bùi hiểu Bùi sẽ phải chuyển nhượng cổ phần của anh ta trong Telio cho OOPA theo kết quả của thảo luận về cấu trúc công ty mới.


Điều kiện chắc chắn về chủ thể:

Trong kế hoạch tuỳ chọn gồm phương án 1 và phương án 2. Cả hai phương án đều hướng tới OOPA sở hữu Telio dù là phương án 1 sở hữu 100% bởi OOPA hay phương án 2, nơi chỉ một số cổ phiếu sẽ chuyển cho OOPA hoặc cổ đông của OOPA.


Điều kiện chắc chắn về đối tượng uỷ thác:

Rõ ràng người thụ hưởng quyền sở hữu cổ phần của Bùi ở trong Telio là OOPA chứ không phải ai khác. Trở lại các email, thư từ, không có gợi ý rằng OnOnPay sẽ sở hữu cổ phần trong Telio. Vì điều đó cũng không phù hợp với cấu trúc sở hữu mà các bên đã tiến hành trong quá khứ cũng như không theo mô hình thông thường công ty mẹ (Singapore) và công ty con (Việt Nam).

Kết luận rằng: Xác định Bùi nắm giữ cổ phần tại Telio là do OOPA uỷ thác/đề cử.


Vấn đề 4: Liệu Bùi có được miễn trừ cho bất kỳ vi phạm nghĩa vụ ủy thác nào không

Việc này phụ thuộc vào tính trung thực và hợp lý của Bùi khi thực hiện hành vi vi phạm.

Về phía OOPA, đã từ chối cho Bùi áp dụng miễn trừ trên cơ sở cho rằng Bùi đã “có ý thức, đáng tội và nghiêm trọng”.

Luật sư của Bùi cho rằng Bùi đã hành trọng trung thực và hợp lý. Anh ta thành thật tin rằng mình là chủ sở hữu của CSB chứ không phải OOPA. Do đó anh ấy công khai và trung thực khi đàm phán với Captii về việc cấu trúc Telio.

Thẩm phán nhận định rằng:

i) Bùi biết CSB không thuộc về mình. Điều đó thể hiện qua các giấy tờ, thư từ với OOPA. Bùi cũng đã tìm kiếm khoản đầu tư từ Nextrans, anh ấy nói rằng: CSB sẽ được tách ra khỏi OnOnPay và được đặt với tên Telio dù sau đó, Nextrans không đầu tư. Trên facebook của Bùi, ngày 15/12/2018, Bùi đăng bài viết thừa nhận rằng: anh ấy đã hợp nhất Telio. Rằng đây là tầm nhìn của OOP(.). Bùi đã phải tuyên bố một sự thật là Telio được thành lập bởi OnOnPay và OOPA để anh ta thuyết phục nhà đầu tư khác. Thẩm phán cho rằng, bài viết facebook của Bùi là sự thật và bằng chứng gửi đến Toà là nguỵ tạo. Bùi biết CSB thuộc về OOPA.

ii) Công bằng mà nói, OOPA và các cổ đông của nó đã không muốn hoặc không thể tài trợ cho CSB hoặc Telio ở mức thích hợp để phát triển. Các nhà đầu tư của OOPA cũng đã thừa nhận điều này bao gồm cả Captii. Dẫn tới cuộc thảo luận với Nextrans với sự đồng ý của các bên liên quan. Bùi sẽ thất vọng vì điều đó nên anh ta phải tìm kiếm các nhà đầu tư khác. Nhưng với tư cách một người được uỷ thác, một giám đốc công ty. Anh ta được quyền đám phán hợp pháp để chăm sóc lợi ích của riêng mình. Nhưng anh ta không có quyền che giấu những gì anh ta đang làm, không phải giải quyết bí mật tài sản của OOPA cứ như thể nó là của anh ta.

iii) Một người được uỷ thác có 2 nhiệm vụ là: trung thành và tuân theo người uỷ thác. Bùi đã vi phạm những nghĩa vụ này khi bí mật giao dịch với Surge liên quan đến Telio. Trong khi Bùi né tránh câu trả lời của mình trong quá trình kiểm tra chéo, anh ấy đã chấp nhận là đã không thông báo cho OOPA về các cuộc thảo luận của anh ấy với Surge và rằng Telio đã ký thoả thuận vào ngày 19/03/2019. Sự thiếu minh bạch này khác thường so với cách anh ấy thường báo cáo, thông báo cho OOPA trong quá khứ, cả về hoạt động của CSB và với các nhà đầu tư tiềm năng trước đó như Nextrans.

Kết luận: Thẩm phán thấy rằng Bùi đã không hành động trung thực, hợp lý. Do đó, câu hỏi về việc liệu anh ta có thể được miễn trừ tội sẽ không cần trả lời nữa.


Vấn đề 5: Liệu biện pháp khắc phục thích hợp có phải là: tuyên bố cổ phần của Bùi trong Telio là thuộc về OOPA

Bùi cho rằng: Ngay cả khi anh ta chịu trách nhiệm cho việc vi phạm uỷ thác đối với OOPA do anh ta chiếm đoạt CSB, OOPA cũng không có quyền tuyên bố sở hữu cổ phần của anh ta tại Telio vì: Cổ phần của Bùi tại Telio không phải là kết quả của việc chiếm đoạt CSB. Theo đó, Telio là nơi mà tạo điều kiện CSB được phát triển chứ không phải là OnOnPay.

Thẩm phán nhận định rằng: Cơ hội kinh doanh của CSB thuộc về OOPA. Khi thực hiện nó mới được đổi tên thành Telio. Khi Bùi thành lập Telio với mục đích tiếp quản CSB – là một cơ hội thuộc về OOPA. Cổ phiếu anh ta nắm giữ trong Telio là lợi nhuận anh ta thu được từ việc vi phạm nghĩa vụ uỷ thác của mình.

Kết luận: Thẩm phán sẽ tuyên bố cổ phần Bùi đang nắm giữ tại Telio thuộc về OOPA.


Vấn đề 6: Liệu Thẩm phán có nên cấp cho Bùi một khoản trợ cấp công bằng hay không.

Bùi yêu cầu một khoản trợ cấp công bằng. Luật sư của Bùi không yêu cầu.

Rất may cho Bùi, anh ấy sẽ chia sẻ lợi nhuận từ Telio thông qua phần sở hữu cổ phần của mình trong OOPA.

Đúng là nếu ngay từ đầu, Bùi đã thẳng thắn thì anh ấy có thể thương lượng một thoả thuận về số cổ phần có lợi cho anh ấy trong Telio.

Không có bằng chứng nào cho thấy, Bùi đã thanh toán bất kỳ phần nào chi phí của Telio, hoặc góp bất kỳ vốn nào trong Telio liên quan đến cổ phần đăng ký dưới tên của mình. Nếu làm như vậy, OOPA sẽ phải trả tiền cho Bùi khi nhận lại cổ phần trong Telio từ anh ta.

Kết luận: Thẩm phán từ chối thực hiện theo yêu cầu của Bùi về một khoản trợ cấp công bằng vì lý do Bùi không có hành vi trung thực và hợp lý. Bùi sẽ phải chuyển cổ phần anh ta đứng tên trong Telio cho OOPA.


7. Phán quyết:

  1. Thẩm phán tuyên bố rằng, Bùi đã nhận, nắm giữ cổ phần đăng ký dưới tên của mình tại Telio là dựa trên sự uỷ thác của OOPA. Yêu cầu Bùi chuyển giao cổ phần này sang cho OOPA và cổ tức (nếu có) thu được từ cổ phần này cho đến nay.

  2. Nếu Luật sư của Bùi có yêu cầu khác, thì thẩm phán sẽ tiếp nhận. Nhưng lưu ý: i) Nếu Bùi đã thanh toán chi phí để thành lập Telio hoặc góp vốn vào Telio thì OOPA sẽ trả lại cho Bùi mà không tính lãi suất; ii) Không có khoản phụ cấp nào cho bất kỳ khoản đầu tư / khoản vay nào mà anh ấy đã thực hiện cho Telio; iii) Bùi không được tính lương hoặc phí mà Telio hoặc Telio Việt Nam phải trả cho anh ấy vì công việc anh ấy làm.


8. Phí tổn:

Thẩm phán chấp nhận yêu cầu bồi thường của OOPA như sau: Chi phí khởi kiện là 87.000 đô-la, khoản thù lao thuê chuyên gia kế toán để chứng mình vi phạm của Bùi 146.407,93 đô-la; các khoản phí cho hồ sơ khởi kiện khác: 2.735,12 đô la. Tổng cộng: 236.143,05 đô la (Singapore).

Thẩm phán không chấp nhận yêu cầu bồi thường của Bùi cho số tiền: 302.000 đô la (Singapore)


9. Kết luận:

Bùi với tư cách là Giám đốc của OOPA đã thiếu đi cả sự trung thành và lòng nhiệt thành. Trong khi sự thành công của CSB là nhờ công sức của anh ta, anh ta không được quyền chuyển CSB thành Telio và phủ nhận rằng, anh ta có quyền nắm giữ Telio thay mặt cho OOPA. Do có bí mật thực hiện một thoả thuận với nhà đầu tư mới, anh ta phải chịu trách nhiệm về hậu quả do anh ấy vượt quá thẩm quyền của mình và vì thế việc nắm giữ cổ phần đứng tên mình tại Telio là theo sự uỷ thác của OOPA.

_

Philip Jeyaretnam

Uỷ viên Tư pháp.



 

Lời kết

StartupLAW rất vui khi đã truyền tải nội dung vụ án đến bạn. Chúng tôi tin rằng, nhiều người sẽ thấy mình ở trong câu chuyện này dù là trong quá khứ, hiện tại hoặc trong tương lai. StartupLAW tin đây sẽ là bài học quý giá cho startup Việt Nam trên con đường Go Global.

Mọi thảo luận tích cực và trao đổi, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại website: https://www.startuplaw.vn/

Đặt lịch thảo luận với Luật sư Startup Doanh Nguyen tại https://www.startuplaw.vn/lawtalk-with-doanh

Trân trọng ./.

STARTUP LAW VIETNAM TEAM

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Business Video Call

free LawTalk

TRÒ CHUYỆN CÙNG LUẬT SƯ TECH, STARTUP, VC

Từ 2015 đến nay, Luật sư Doanh đã dành hàng trăm giờ để cà phê với hơn 500 startup, công ty công nghệ và nhà đầu tư mạo hiểm. Hãy đặt lịch "cà phê online" LawTalk với Doanh để trò chuyện về các vấn đề pháp lý, startup, đầu tư mạo hiểm mà bạn quan tâm.

cuộc hẹn online - 30 phút | ưu tiên lịch hẹn đặt trước

  • White Facebook Icon
bottom of page