Khi đặt dịch vụ thiết kế logo, bạn cần yêu cầu đơn vị thiết kế cung cấp quy trình tạo ra một logo mới và đưa vào hợp đồng các điều khoản chống sao chép logo khác.
Vụ việc thương hiệu mới của Be
Đêm 1/10/2022 trên fanpage, Công ty Cổ phần Be Group chính thức công bố nhận diện thương hiệu mới với một sự kiện được gọi là “bùng nổ” nhất nửa cuỗi năm 2022 mang tên Màn thay áo “bốc lửa” của BE, đêm 1/10. Logo mới của Be được người dùng bình luận là rất giống các hình ảnh đang có trên shutterstocks - một trang web chuyên cung cấp hình ảnh bản quyền, nơi kết nối mua bán giữa những người sản xuất ảnh và những người có nhu cầu mua ảnh.
Quy trình thiết kế logo sao chép và hậu quả ngiêm trọng
Việc các mượn ý tưởng, hình ảnh trên các nền tảng internet để thiết kế logo cho khách hàng khá phổ biến. Tuy nhiên, với các thương hiệu lớn thì đây là vấn đề nghiêm trọng.
Trước hết, tính khác biệt của logo không cao và luôn khiến cho khách hàng cảm thấy hao hao với một logo nào đó mà họ đã nhìn thấy. Điều này không tạo ra ấn tượng khác biệt của trong tâm trí của khách hàng.
Về khía cạnh pháp luật, một logo được thiết kế dựa trên sự sao chép có thể bị từ chối bảo hộ độc quyền cho thương hiệu, nhãn hiệu đó. Theo Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ về khả năng phân biệt của nhãn hiệu: Một nhãn hiệu (thương hiệu, logo) có thể được coi là không có khả năng phân biệt và bị từ chối bảo hộ độc quyền vì có Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự.
Về khía cạnh sáng tạo, một logo sao chép có thể bị giới chuyên môn phê bình là kém chuyên nghiệp, không đầu tư nghiêm túc. Điều này có thể dẫn đến uy tín của thương nhân bị ảnh hưởng.
Một số cách để khắc phục, dự phòng
Việc thiết kế logo dù là do nhân sự nội bộ phụ trách hay khi bạn thuê một đơn vị cung cấp dịch vụ thiết kế logo thì bạn cần lưu ý một số điểm sau:
Quy định không sao chép
Yêu cầu đơn vị thiết kế ký cam kết, điều khoản bảo mật và không sao chép, không vi phạm bản quyền hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ bên thứ ba. Điều này đảm bảo người thiết kế không sao chép logo của bên khác bất kỳ.
Công khai quy trình thiết kế logo
Bạn cần giám sát quy trình thiết kế logo của người thiết kế để đảm bảo được nguồn gốc các ý tưởng, hình ảnh, thành tố, dấu hiệu, màu sắc, cấu trúc của logo. Bạn cũng có thể yêu cầu đơn vị dịch vụ thiết kế cung cấp cho bạn nhật ký thiết kế. Thoả thuận này cũng cần được đưa vào hợp đồng dịch vụ thiết kế.
Kiểm tra khả năng trùng, tương tự, gây nhầm lẫn
Nghiệp vụ này được thực hiện bởi luật sư sở hữu trí tuệ và phải có kinh nghiệm chuyên sâu về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Việc kiểm tra logo trước khi nghiệm thu, sử dụng sẽ giúp bạn xác định được xem logo này có trùng, tương tự, gây nhầm lẫn với các logo, dấu hiệu đã được công bố. Nguồn thông tin đối chứng sẽ đến từ các logo, thương hiệu được ghi nhận trong hệ thống Đăng ký nhãn hiệu quốc gia và quốc tế công khai hoặc không công khai, trên môi trường internet và trong kho dữ liệu riêng của luật sư. Bạn cũng có thể tự tra cứu bằng các nguồn thông tin được công khai trên internet.
Việc kiểm tra này còn có tác dụng đặc biệt hiệu quả là: Đánh giá khả năng bảo hộ độc quyền của thương hiệu mà bạn sử dụng hoặc đăng ký. Từ đó, các luật sư chuyên nghiệp sẽ tư vấn, đề xuất phương án cải thiện, thay đổi, chỉnh sửa để nâng cao khả năng phân biệt và khả năng đáp ứng điều kiện bảo hộ độc quyền cho logo của bạn.
Một số người có thể không quan tâm đến khía cạnh sự khác biệt của logo, thương hiệu của mình vì lý do mình kinh doanh nhỏ lẻ, có logo nhìn đẹp là tốt rồi. Tuy nhiên, với các thương hiệu lớn hoặc có tầm nhìn trở lên lớn thì việc kiểm soát, đầu tư cho khâu thiết kế logo là một việc làm nghiêm túc khi mà logo, thương hiệu của bạn có khả năng là tài sản lớn nhất trong doanh nghiệp của bạn.
_
Ls. Nguyễn Văn Doanh (Doanh Nguyen)
Người sáng lập StartupLAW.vn
ĐẶT LỊCH TRÒ CHUYỆN CÙNG LUẬT SƯ STARTUP LAW
Comments